Hôm nay mình muốn bàn về Thông thạo kỹ năng đọc viết (Balanced literacy). Theo như chỉ tiêu của phòng giáo dục nơi mình, các em học sinh khi tốt nghiệp cấp 1 sẽ thông thạo cả hai thứ tiếng – Việt – Anh, hoặc Tây Ban Nha – Anh. Điều này có nghĩa các em có thể đọc, viết, và nói chuyện như một người bản xứ. Chương trình dạy học song ngữ này từ mẫu giáo đến lớp 5, các em sẽ học nửa ngày với một thứ tiếng, và buổi chiều sẽ học tiếng Anh. Các em sẽ nghe, nói, đọc, viết và thay đổi liên tục như vậy. Mục tiêu thì rất hay, và rất khó cho giáo viên vì phải soạn tận hai bài giảng (vì có vài em sẽ ở chung lớp đó nguyên ngày nên sẽ biết nội dung và sẽ dễ chán).
Tại sao lại là “cân bằng – balanced”.
Vì thầy cô chính là cây cầu giúp đưa các em từ bờ bên này (thầy cô sẽ mô phỏng, và các em sẽ tập làm theo y hệt), rồi trên cầu (thầy cô sẽ dần dần cho các em luyện tập với sự hướng dẫn và giúp đỡ), đến bờ bên kia (các em có thể tự mình đọc và viết cả hai ngôn ngữ).
Có những em gia đình nói tiếng Việt, nhưng không biết dạy cho các em thế nào, thì dù sao các em cũng có một môi trường để luyện nghe và nói. Có những em thì gia đình không hề nói tiếng Việt, điều này khiến cho các em chậm hơn các bạn. Như đầu năm có em suốt ngày nói “I don’t understand Vietnamese” (Con không hiểu tiếng Việt), nhưng với môi trường trong lớp, thầy cô và các bạn đều nói mỗi ngày, và khuyến khích em tập nói, em đã có thể đếm được từ một đến mười (ah, thật hãnh diện). Có những em ở nhà chỉ nói tiếng Anh và Tây Ban Nha, ba mẹ cũng không phải người Việt, vậy mà vẫn vào lớp tiếng Việt để có 3 ngoại ngữ @_@! Có trường hợp nếu em đó giỏi một ngoại ngữ, thì em sẽ tìm được mối liên hệ và học giỏi cả 3 thứ tiếng, trường hợp còn lại thì xảy ra nhiều hơn, là em yếu cả 3 🤦♀️.
Vậy để dạy các em thông thạo kỹ năng đọc – viết có những cách thức nào?
Đọc (Reading): gồm có Giáo viên kể chuyện (Modeled read aloud), Giáo viên nói ra cách mình suy nghĩ (Modeled think aloud), Giờ tự tập đọc (Independent reading), Hướng dẫn đọc theo nhóm (Guided reading), Đọc cùng nhau (Shared reading).
Viết (Writing): gồm có Giáo viên viết mẫu (Modeled Writing), Hướng dẫn viết theo nhóm (Guided writing), Giờ tự tập viết (Independent writing).
Nghe Nói (Listening and Speaking): Giáo viên làm mẫu, Giáo viên hướng dẫn và hỗ trợ các em, Giờ tự tập nghe nói.
Học từ vựng (Word study): Nhận biết âm (Phoneic awareness), Phân tích cấu trúc từ vựng (Word structure analysis), Ngữ pháp (Grammar), Xây dựng từ (vocabulary instruction), Nhận biết các từ thông dụng (Sight word recognition), Đánh vần (spelling), “Dán” âm vào chữ cái (Phonics)
Kiểm tra và đánh giá (Assessment): Quá trình này khá là quan trọng vì không phải mình chỉ đánh giá các em vào các bài kiểm tra hay bài thi, mà thầy cô luôn luôn có những bài kiểm tra nhỏ và nhanh, để xem các em đang ở vị trí nào, cần sự hỗ trợ gì, để đẩy các em lên mức độ tiếp theo, hoặc giúp các em “trám” lại các chỗ kiến thức bị “lủng”.
Với một tư duy mở (growth mindset), bộ não mình sẽ phát triển nếu mình tiếp tục cố gắng và không bỏ cuộc. “Ông trời chỉ đưa ra thử thách cho chúng ta vượt qua” (Phim Jin-Bác sĩ vượt thời gian). Nếu chúng ta cố gắng không ngừng, lúc nào cũng suy nghĩ tìm cách tốt hơn thì đó là cách “tập gym” cho bộ não. Mình cũng đang cố gắng học thêm tiếng Tây Ban Nha trên Duolingo, mỗi ngày chỉ cần 5 phút buổi sáng nhưng liên tục (mình được 45 ngày liên tục rồi, yeah). Cũng ôn lại tiếng Nhật vì đăng ký thi lại N3 tháng 12 này, haha (Bỏ không được nên thôi đeo đuổi tiếp, với lại để không bị bịnh Alzheimer’s).
Các bạn học ngoại ngữ như thế nào? Hay các bạn học tiếng Việt như thế nào? (Nói thật mình không thể nhớ nổi mình đã vượt qua cấp 1 như thế nào, hay đã học đánh vần, học đọc ra sao, haiz, mình chỉ nhớ là lớp 1 mình đã đọc được truyện chữ và đọc hết 5 cuốn truyện đọc nên vô lớp chán, ngồi ngáp vì đọc lại truyện mình đã đọc rồi). Về tiếng Việt thì mình không hề giỏi Văn, thậm chí chỉ vừa đủ 5.0 cả cấp 3 haiz :”>. Vậy mà giờ đây mình lại dám thử viết blog (và có độc giả ^^, cảm ơn các bạn). Nếu bạn nào biết được cách dạy các em tiếng Việt hiệu quả, mình rất muốn biết và tìm hiểu.